Đề bài:
Trên một bức tranh châm biếm vẽ hai học sinh đang giơ số điểm thành tích bài thi lên, trên má một học sinh có in hình chiếc môi vừa hôn lên đó, trên má một học sinh khác in hằn cát tát của bàn tay… Yêu cầu: kết hợp nội dung và ngụ ý của bức tranh châm biếm, lựa chọn góc độ, lập ý và thể loại văn phải rõ ràng, tự đặt mệnh đề cho bài làm. Không được rập khuôn, không được sao chép. Làm bài văn trên 800 chữ.
Những dòng cảm xúc sau nằm trong bài văn 800 chữ đã đạt điểm 10 tuyệt đối kỳ thi tuyển sinh Đại học của Trung Quốc năm 2016. Bài viết rất đáng suy ngẫm của nam sinh Quảng Đông, Trung Quốc được thầy giáo Trịnh Quỳnh (giáo viên Văn học Trường THPT Lương Thế Vinh, tỉnh Nam Định) dịch và giới thiệu trước thềm kỳ thi THPT Quốc gia 2017 đã nhận được sự quan tâm, chia sẻ lớn của người đọc.
Qua hình thức một bức thư gửi mẹ, nam thí sinh đã mượn dịp này lần đầu “trút” nỗi lòng của một đứa con luôn được mẹ kỳ vọng trở thành người xuất sắc nhất. Một đề văn hay và một bài làm giản dị, súc tích, giàu cảm xúc, có khả năng “thức tỉnh” nhiều vị phụ huynh.
Dưới đây là bài làm đạt điểm tối đa số 1:
Bức thư gửi mẹ
Mẹ thân yêu!
Trước hết con xin mượn một câu danh ngôn như sau: “Con người có thể leo lên đỉnh cao của danh dự, nhưng lại không thể nào sống lâu dài ở trên đó”. Con biết rằng mẹ gửi gắm niềm hy vọng tha thiết vào con, mong con mãi mãi là người con xuất sắc nhất, con cảm thông trước tâm trạng của mẹ mong con có thể như cá chép hóa rồng, trên thế gian này có người mẹ nào mà không mong con cái mình trở thành người con xuất sắc? Nhưng hôm nay con muốn thưa với mẹ rằng, xin mẹ tha thứ cho con không thể lúc nào cũng có thể trở thành đứa con xuất sắc nhất.
Con nhớ hồi con còn nhỏ, mẹ luôn đem con ra so sánh với con cái của người khác… Con nhớ thằng em họ có khi đến nhà mình ăn cơm lại nói: “Nào… đứa nào ăn nhanh nhất nào”. Mỗi lần thấy con ăn xong nhanh nhất mẹ lại gật gật đầu hài lòng.
Con nhớ hồi con tập đàn piano, mỗi lần tập mẹ lại ngồi nghe con đánh cho đến lúc âm điệu các nốt nhạc dưới ngón con trở nên trôi chảy rồi mẹ mới mỉm cười hài lòng và cho phép con rời khỏi cỗ đàn. Tuy con không hẳn ghét chơi đàn piano, nhưng con chán ớn việc thi trình độ chơi đàn piano. Mọi thứ đều từ kỳ vọng quá cao của mẹ.
Khi đứa bạn cùng lớp con cầm lá đơn thành tích được đánh giá trình độ trung bình mà vẫn hớn hở về nhà vì thành tích bạn đó có sự tiến bộ hơn. Nhưng trong lòng con thì lại hồi hộp vì mẹ yêu cầu con lần thi nào cũng phải đạt thành tích 95 điểm trở lên. Cho nên con mới lo sợ mặc dù thành tích của con đã rất tốt so với các bạn cùng lớp rồi.
Mẹ ơi, con mong mẹ có thể hiểu được mà cảm thông với con. Đôi khi áp lực cũng chính là động lực thật nhưng nhiều khi áp lực như quả trứng gà vậy. Trứng gà mà nứt mà bị nứt từ bên trong ra ngoài thì đó là sự sống nhưng trứng gà bị vỡ từ bên ngoài vào trong thì đó là sự diệt vong. Con mong được mẹ tôn trọng ý nguyện chân thật nhất của con từ trong nội tâm chứ không phải chỉ cứ gây áp lực cho con. Quá trình trưởng thành của con không phải được quyết định bởi ý chí riêng của mẹ đâu. Cũng như nhà tư tưởng nhà văn Pháp Rousseau nói: “Trước khi trẻ em khôn lớn nên người, thế giới tự nhiên mong muốn trẻ em được sống như những trẻ em thực sự”.
Đôi khi con cũng liên tưởng đến các hiện tượng “mẹ hổ cha sói” trong xã hội. Họ là những phụ huynh nghiêm ngặt nhất chỉ mong con cái mình từ nhỏ đã có thể giành thắng lợi ngay trên vạch xuất phát có thể khác hẳn so với số đông người. Thế nhưng con cảm thấy con cái của họ không có niềm vui thực sự.
Mẹ ơi, con biết, mẹ lúc nào cũng thương yêu con. Cái vẻ bên ngoài lúc nào cũng nghiêm nghị của mẹ chẳng qua cũng vì mẹ mong muốn con càng xuất sắc hơn mà thôi. Có lẽ mẹ nên chọn biện pháp khác để chỉ bảo hướng dẫn cho con, động viên con. Con càng mong muốn có thể thấy mẹ của mình là một người phụ nữ dịu dàng hiền hòa.
Hôm nay con đang ngồi trong trường thi tuyển sinh đại học, rất có thể con đường đời dài dằng dặc sau này sẽ được viết bằng hoặc có sự thay đổi ngay dưới ngòi bút của con. Con chỉ muốn mượn dịp này muốn thưa với mẹ một câu rằng: lần này mẹ hãy để con là một người của chính con thực sự. Bất kể kết quả ra sao con cũng không hối hận.
Cảm ơn mẹ!
Con trai mẹ.
(Bài làm của thí sinh ở Quảng Đông – Kỳ thi tuyển sinh ĐH 2016 ở Trung Quốc)
***
Thầy Trịnh Quỳnh – người giới thiệu bài văn trên cho hay, vì quá ấn tượng với đề và cả bài làm nên anh đã quyết định dịch lại chia sẻ cùng mọi người.
Theo thầy Quỳnh, hướng ra đề văn này rất mở từ việc không giới hạn thể loại, không giới hạn số từ, không giới hạn về văn bản… Nhưng quan trọng nhất là đề thi hoàn toàn mở về cách nghĩ, thậm chí còn không có hướng dẫn chấm (điểm) cụ thể. Điều đó tạo nên những bài văn hoàn toàn khác nhau. Học sinh được nói lên tiếng nói của chính mình không câu nệ vào suy nghĩ quan điểm của người chấm chứ không phải là một bài giáo dục đạo đức đơn thuần.
Đánh giá về bài văn đạt điểm tuyệt đối của nam sinh Trung Quốc, thầy giáo trẻ cho biết, anh rất ấn tượng với lối hành văn giản dị nhưng chân thành, giàu cảm xúc. Đó là những suy nghĩ giản đơn nhưng khó nói, em học sinh mượn đề bài để chia sẻ tới phụ huynh của mình.
Đọc bài làm không ít phụ huynh phải giật mình vì đã tạo áp lực từ bên ngoài cho con em mình. Có những câu văn khiến chúng ta phải suy nghĩ lại: Tuy con không hẳn ghét chơi đàn piano, nhưng con chán ớn việc thi trình độ chơi đàn piano; Quá trình trưởng thành của con không phải được quyết định bởi ý chí riêng của mẹ đâu; Thành tích lợi ích đều như lá cây chớ nên bị lá cây che mắt… Qua đó người đọc có thể cảm nhận được sự dũng cảm khí dám nói lên tiếng nói riêng, sự trưởng thành trong suy nghĩ của tuổi trẻ.
Đặc biệt, bài văn nói về áp lực học tập là vấn đề không mới nhưng luôn “nóng” trong xã hội nhiều nước châu Á – nơi học sinh đều phải trải qua những kỳ thi đại học khốc liệt nhất.
“Nguyên nhân có thể do truyền thống thi cử lập thân lập danh trọng bằng cấp. Áp lực từ những bậc cha mẹ muốn con trưởng thành ngay từ vạch xuất phát, áp lực từ đánh giá dựa vào số điểm thành tích dành cho học sinh, giáo viên và ngay cả nhà trường phổ thông.
Nhiều học sinh chỉ biết học để đi thi còn thi xong để làm gì thì chưa trả lời được. Việc học để đi thi bỗng dưng trở nên vô ích. Học tập không phải vì mục đích thi cử, thi cử chỉ là cơ hội thể hiện mình”, thầy giáo Trịnh Quỳnh nêu quan điểm.
Bài văn đạt điểm tuyệt đối như một lời thức tỉnh cho nhiều phụ huynh châu Á và Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Nói về điều này, thầy Trịnh Quỳnh cho rằng: “Nhiều cha mẹ Việt ép con em phải tham gia các cuộc thi từ âm nhạc, thể thao… mong muốn các em đạt thành tích từ rất nhỏ mà không biết các em có thực sự đam mê. Nhiều em bị tổn thương khi bị loại khỏi các cuộc thi. Nhưng nhiều em tích lũy cho bảng thành tích của mình những giải thưởng, những hồ sơ toàn điểm mười, những bằng khen… khi mọi thứ bão hòa thì những con số đó trở nên vô nghĩa, thậm chí là có hại”.
BÀI LÀM SỐ 2
Đoạn văn sau trích dẫn từ bài văn thứ 2 đạt điểm 10 trong kỳ thi tuyển sinh Đại học tại Trung Quốc năm 2016.
Liên quan tới đề văn mở và giàu hình ảnh của kỳ thi tuyển sinh Đại học tại Trung Quốc năm 2016, có tổng cộng 3 bài văn đạt điểm 10. Ngay sau khi đăng tải, bài văn số 1 – “Bài Văn điểm 10 thi đại học “thức tỉnh” các ông bố bà mẹ” đã nhận được sự chia sẻ, phản hồi của hàng nghìn bạn đọc cả nước, đặc biệt là các bậc phụ huynh.
Kỳ vọng thái quá, áp lực nặng nề của cha mẹ lên con trẻ dường như vẫn diễn ra ở nhiều gia đình Việt Nam. Đề văn và bài làm của thí sinh Trung Quốc có lẽ vì thế trở nên rất gần, khiến nhiều ông bố bà mẹ Việt “thức tỉnh”.
Câu chuyện về thành tích và áp lực của phụ huynh lên học sinh rất đáng suy ngẫm. Dân trí giới thiệu tiếp tới bạn đọc bài văn số 2 (trong số 3 bài) đạt điểm 10 tuyệt đối kỳ thi ĐH tại Trung Quốc 2016.
Bài văn có tiêu đề “Thành tích như chiếc lá, đừng để lá che mắt”. Thí sinh đạt điểm 10 đã ví thành tích/điểm số/giải thưởng của con trẻ ở trường lớp như lá cây. Nhiều phụ huynh chỉ chăm chăm nhìn vào chiếc lá để đánh giá sự trưởng thành của con mình (vốn như một cái cây)…
Mời bạn đọc tham khảo và bàn luận.
Bài làm thứ hai đạt điểm 10 tuyệt đối:
Thành tích như lá, đừng để lá che mắt…
Trong bức tranh châm biếm, học sinh A đạt 100 điểm liền được thưởng một nụ hôn, nhưng thành tích sau đó chỉ vì 98 điểm liền bị phạt bằng cái tát tay. Học sinh B ban đầu chỉ đạt có 55 điểm nên trên mặt bị in hằn bàn tay của cái tát, sau đó thành tích nâng lên 61 điểm liền được thưởng một nụ hôn.
Xem xong bức tranh châm biếm này, bất giác phải đăm chiêu suy nghĩ, chỉ vì thành tích số điểm tăng giảm nhất thời mà được thưởng hoặc bị phạt như vậy, quả thực là quá sai lầm. Thực ra, học sinh như gốc cây đang trưởng thành, thành tích như những chiếc lá trên cây. Không nên vì lá cây xanh tươi đẹp mắt mà quá vui mừng hớn hở, càng không nên vì lá cây không đẹp mắt mà phủ nhận hết rồi ra tay phạt thẳng thừng, đừng nên bị lá che mắt.
Học sinh trong quá trình trưởng thành, không phải chỉ có học tập, không phải chỉ có số điểm, mà nên còn có “niềm hứng thú và những mục tiêu xa”. Nhưng trong môi trường lớn chỉ nhằm vào số điểm thành tích mà đánh giá tốt xấu, học sinh buộc phải theo đuổi thục mạng cho làm sao để có thể nâng cao số điểm, không được thụt lùi một chút nào hết, thậm chí còn bị đòi hỏi khắt khe thành tích phải đạt điểm tối đa.
Đây là hành vi trái với quy luật, quá trình trưởng thành của học sinh cần có sự từng trải của hạnh phúc càng cần có những trải nghiệm của khó khăn và trắc trở. Trong quá trình học tập, học sinh phải có nhận thức cần phải bỏ mồ hôi ra, cũng nên biết rằng không phải sau mỗi lần cố gắng đều có thể tiến bộ được ngay tức khắc. Nên biết rằng sự tiến bộ chưa chắc đã có sự thể hiện ngay bằng điểm số thành tích, nên biết rằng số điểm thành tích lúc lên lúc xuống là hiện tượng bình thường. Chỉ có cố gắng học tập một cách bền bỉ, không ngừng tích lũy mới có thể khiến chính mình trưởng thành hơn, mới có thể nở hoa kết trái của nhân sinh.
Cha mẹ là những người hết sức quan trọng trong cuộc sống của con cái. Làm sao cha mẹ có thể đánh giá một cách tùy ý số điểm của thành tích mà bất chấp sự phát triển toàn diện của con cái mình.
Học sinh tựa như một gốc cây, thành tích học tập như lá cây vậy phụ huynh đừng nên bị lá cây che khuất mắt. Cũng như hiện tượng nói trên, tại Trung Quốc các trường Trung học và Tiểu học phải đương đầu với nhiều áp lực về tỉ lệ học sinh thi đỗ lên các cấp, nhiều khi vì thành tích số điểm của học sinh mà như lá che khuất mắt vậy. Ví dụ như tương đối phiến diện trong đánh giá trình độ dạy học của giáo viên, thường chỉ đánh giá giáo viên bằng thành tích thi cử trong giai đoạn cuối kỳ nào đó của lớp học do họ phụ trách mà không trông thấy những công sức miệt mài đổ mồ hôi vất vả của giáo viên trong thường ngày. Càng không thấu hiểu những trăn trở của giáo viên nơi bục giảng. Cũng như vậy thôi việc giảng dạy của giáo viên không chỉ giới hạn trong điểm số của học sinh. Giáo viên cũng như gốc cây vậy thành tích như lá cây, nhà trường đừng bị lá cây che mắt.
Thành tích lợi ích đều như lá cây chớ nên bị lá cây che mắt. Tất nhiên con người khó tránh khỏi giới hạn bởi các sự vật bên ngoài che khuất. Bất cứ sự vật nào cũng cần có tiêu chuẩn cân đo bằng các con số nhất định nhưng không thể chỉ nhằm vào các chỉ số mà không thể thấy được toàn diện và tổng thể. Nên cần có tiêu chuẩn đánh giá và phương thức bình phẩm đa nguyên và toàn diện mới tránh khỏi hiện tượng bị lá che mắt.
(Bài làm của thí sinh tỉnh Giang Tây, Trung Quốc)
***
Là người thông thạo tiếng Trung, thầy giáo Trịnh Quỳnh (giáo viên Văn học tại tỉnh Nam Định) cho biết, bắt đầu từ ngày 7/6 vừa qua, hơn 9,4 triệu thí sinh Trung Quốc đã bước vào kỳ thi Cao khảo. Đây là căn cứ để xét tuyển vào các trường Đại học và Cao đẳng.
Theo đó từ năm 2017, đã có 27 tỉnh và các sở lựa chọn đề chung của Bộ Giáo dục nước này. Năm 2017 cũng được coi là năm đầu tiên tuyển sinh Đại học theo lối mới, trong đó các trường ở Chiết Giang, Thượng Hải đã đi đầu trong việc tuyển sinh này với nhiều tiêu chí lựa chọn, thời gian tuyển chọn 2 lần một năm nhằm mở rộng cơ hội trúng tuyển cho các ứng viên.
Để giải tỏa những áp lực thi cử, các bạn học sinh lại có dịp chia sẻ những bài văn đạt điểm tối đa năm 2016 để cùng tham khảo và học hỏi. Trong đó có nhiều bài làm gây ấn tượng về cách thức lập luận, tư duy mới mẻ và giàu cảm xúc.
“Bài làm trên đây là một minh chứng khi bàn về vấn đề điểm số và thành tích trong giáo dục khiến nhiều người phải suy ngẫm, nhất là các bậc phụ huynh, giáo viên và những người làm giáo dục”, thầy Trịnh Quỳnh chia sẻ.
BÀI LÀM SỐ 3
Một thí sinh lớp 12 tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) đã lấy hình ảnh Khổng Tử và phương pháp giáo dục của ông đưa vào bài thi đại học. Qua đó, em bày tỏ quan điểm và mong đợi về phương pháp giáo dục, giảng dạy của nhà trường đối với học sinh. Thí sinh này cho rằng, nhà trường – nơi cung cấp nhân tài cho xã hội nên loại bỏ những khuôn phép cố định, cách giảng dạy bảo thủ chung chung và nên áp dụng phương pháp giảng dạy, đánh giá khác nhau theo trình độ, đặc điểm, năng lực của mỗi học sinh.
Bài văn với tựa đề “Đối xử khác biệt mà không khác biệt” là bài số 3 đạt điểm 10 trong kỳ thi tuyển sinh đại học ở Trung Quốc năm 2016. Từ đề Văn nhìn hình ảnh rồi tự chọn chủ đề bày tỏ quan điểm, thí sinh lớp 12 đã có góc nhìn sắc sảo – không phải về điểm số, áp lực học tập mà về phương pháp giáo dục.
Đối xử khác biệt mà không khác biệt…
Sự khác biệt giữa khen ngợi và trách mắng là ở chỗ nào? Đối với bạn thứ nhất mà nói, đó là cự ly tính bằng milimet giữa 100 điểm và 98 điểm. Đối với bạn thứ hai mà nói, là sự vượt qua khoảng cách giữa chưa đạt điểm trung bình và đã đạt điểm trung bình. Hiện tượng khác biệt này xem ra như không nghĩa lý gì cả nhưng suy ngẫm cho cùng thì lại ngộ ra cái hợp lý trong đó.
Như người ta thường nói, con người mới sinh ra đã có sự không công bằng, kể từ giây phút em bé lọt lòng cất tiếng khóc chào đời, thì mỗi sinh mệnh đều trở thành ngay một sinh mệnh độc lập, có ngay cái thứ gọi là giá trị tốt xấu của chính bản thân em bé đó. Con người sinh ra vốn đã như vậy rồi, thì làm sao có thể vạch một đường thẳng thống nhất như nhau, đặt ra những quy định mỏng manh để so đo đối với mỗi sinh mệnh tươi mới và độc lập được.
Cách đây ba ngàn năm, Khổng Tử đã đưa ra chủ trương “Nhân tài thi giáo” nghĩa là dựa vào trình độ đặc điểm khác nhau của mỗi học sinh mà áp dụng những phương pháp dạy khác nhau. Học trò của Khổng Tử đông đến ba ngàn người. Có người giàu tới mức như tỉ phú trong nước, có người chức vị cao ngang quan thần triều đình. Học trò đủ loại không một ai như ai, vậy mà Khổng Tử được người muôn đời sau ca ngợi tôn kính là nhà giáo dục vĩ đại.
Nguyên nhân căn bản là vì Khổng Tử có thể nắm bắt được chính xác đặc tính mạnh yếu tốt xấu của từng học sinh, lấy hơn bù kém, áp dụng phương pháp giáo dục theo đặc thù với từng học sinh. Nhờ sự đối xử khác biệt như vậy của Khổng Tử khiến mỗi học sinh của ông đều có thể phát huy đầy đủ sở trường của mình, mỗi người đều đạt tới kết quả học tập của họ.
Xã hội nên có những yêu cầu khác nhau với mỗi con người cũng như một cỗ máy đang vận hành không thể thiếu được tiếng động cơ chạy rầm rầm vừa không được coi nhẹ chiếc đinh ốc nhỏ nhỏ vô danh âm thầm lặng lẽ gắn trên cỗ máy đó.
Đối với bạn học sinh thứ hai trong bức hình, 90 điểm là số điểm quá cao rất có thể bạn đó không bao giờ vươn tới được, đạt điểm trung bình đã là hết năng lực của bạn ấy rồi. Nếu chúng ta đánh giá những con người khác nhau theo cùng tiêu chí thống nhất, thì trên thế gian này có biết bao các nhân tài kỳ dị khác thường bị mai một.
Xã hội của chúng ta cũng cần có sự đối xử khác biệt. Cũng như việc nghiên cứu phát minh con tàu vũ trụ cần có số liệu chính xác đến hơn 10 con số sau dấu thập phân. Thế nhưng khí thế hào phóng sôi nổi tự nhiên trong văn chương thơ họa chỉ đòi hỏi có đủ thần thái diện mạo miêu tả là được…
Mỗi ngành mỗi nghề, mỗi người mỗi vật đều có sở trường khác nhau nhưng đã thể hiện cùng thắng trong một khối cùng phát huy tài năng. Xét trên khía cạnh nói trên trường học chính là nơi có trách nhiệm gánh vác việc cung cấp nhân tài cho đất nước và xã hội, càng nên loại bỏ những khuôn phép cố định, nên từ bỏ quan điểm bảo thủ, cần phải cách tân đổi mới quan niệm, áp dụng những phương pháp giảng dạy khác nhau theo trình độ đặc điểm khác nhau của mỗi học sinh. Tựa như điêu khắc gọt dũa những học sinh thành những nhân tài độc đáo bằng những lưỡi dao khác nhau vậy để đào tạo nên những trụ cột đất nước có sở trường và tài năng khác nhau. Đối xử khác nhau bằng tấm lòng giống nhau của người thợ, chuẩn tắc khác nhau nhưng sự mong đợi giống nhau.
Tôi tin tưởng chắc chắn rằng mỗi con người đều có hương thơm độc đáo khác nhau của họ, mỗi tồn tại của sự vật đều mang ý nghĩa độc đáo khác nhau của nó. Riêng tôi thì mong cho mình có thể trở thành con người có tinh thần ngay thẳng hào phóng thể hiện được phong thái độc đáo của mình. Đối xử khác biệt mà không khác biệt.
Thầy giáo Văn học Trịnh Quỳnh (dịch)